Răng chết tủy là gì? Chết tuỷ răng có nguy hiểm không? Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn đọc mọi thông tin chi tiết về dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị tình trạng răng chết tủy.
Ảnh minh họa
Răng chết tủy là giai đoạn cuối của quá trình bị viêm tủy răng liên tục và kéo dài. Tủy răng chết nghĩa là răng không còn được nuôi dưỡng, dẫn đến tình trạng răng sẽ mất đi cảm giác khi ăn uống cũng như suy giảm sức ăn nhai, bắt đầu xuất hiện những hiện tượng như: Đổi màu răng, chảy mủ, mùi hôi khó chịu, răng dễ bị gãy vỡ, lung lay…
Tùy từng giai đoạn tổn thương tủy mà sẽ có những biểu hiện khác nhau, cụ thể quá trình chết tủy răng và dấu hiệu viêm tủy răng sẽ trải qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn viêm tủy phục hồi
Tủy răng bắt đầu bị tổn thương và xuất hiện những cơn đau nhẹ, đặc biệt vào ban đêm. Kèm theo đó là cảm giác ê buốt khi ăn đồ nóng lạnh.
Giai đoạn viêm tủy mãn tính
Cơn đau dai dẳng hơn vào sáng sớm và ban đêm. Răng cực kỳ nhạy cảm, mỗi cử động răng đều gây đau.
Giai đoạn viêm tủy cấp tính
Những cơn đau xuất hiện với tần suất dài hơn, có thể kéo dài đến vài tiếng đồng hồ. Nướu cũng có thể bị tổn thương và tích tụ mủ, gây sưng đau.
Giai đoạn hoại tử tủy
Hoại tử tủy hay gọi cách khác là tủy răng bị thối, tủy răng chết không thể khôi phục như ban đầu. Lúc này răng không tủy để nuôi dưỡng nên sẽ bị đổi màu, từ màu vàng chuyển dần sang màu xám đến cuối cùng là màu đen.
Cơn đau nhức lúc này không còn xuất hiện ở chiếc răng bị chết tủy nữa mà chuyển dần sang viêm chóp răng, áp xe răng, mủ chân răng, khiến răng bị lung lay và có nguy cơ rụng khỏi hàm.
2. NGUYÊN NHÂN RĂNG CHẾT TỦY
2.1 Chết tủy do sâu răng
Đây là nguyên nhân chủ yếu làm chết tủy răng. Khi bạn bị sâu răng, vi khuẩn sẽ tấn công lần lượt từ men răng, ngà răng. Khi 2 lớp bảo vệ tủy này bị phá hoại, vi khuẩn sẽ tấn công tủy. Do đó, khi bị sâu răng, bạn cần đi trám ngay lập tức để không gây tổn thương tủy.
2.2 Chết tủy do răng gãy, nứt, mẻ
Răng tổn thương khiến các mạch máu và nguồn nuôi tủy cũng bị tổn thương. Chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho tủy bị phá hủy. Tủy răng không được “nuôi dưỡng” đều đặn dẫn đến tình trạng chết tủy răng.
2.3 Chết tủy do viêm nướu
Một trong những nguyên nhân gây chết tủy răng là do bệnh lý viêm nướu không được điều trị kịp thời, dẫn đến nhiễm trùng nướu, viêm nha chu, viêm chân răng, áp xe răng. Răng sẽ suy yếu dần do “bệnh” và khiến răng chết tủy.
3. CÁCH ĐIỀU TRỊ RĂNG CHẾT TỦY
Răng chết tủy phải làm sao? Loại bỏ các mô tủy hư, tạo hình và trám bít ống tủy là phương pháp điều trị răng chết tủy duy nhất hiện nay, thay vì bắt buộc phải nhổ răng như trước đây.
Bạn đọc có thể tham khảo quy trình điều trị tủy nghiêm ngặt gồm 5 bước như sau:
Bước 1: Thăm khám và chụp X-Quang
Kết quả chụp phim X – Quang sẽ cho biết tình trạng và mức độ viêm tủy răng, xác định chiều dài ống tủy và lên kế hoạch điều trị.
Bước 2: Vệ sinh khoang miệng và gây tê
Bác sĩ tiến hành vệ sinh khoang miệng, loại bỏ vi khuẩn và các tác nhân có nguy cơ gây nhiễm trùng răng. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê.
Bước 3: Đặt đế cao su
Đế cao su được đặt ôm sát vào răng cho bệnh nhân nhằm ngăn chặn các hóa chất khi điều trị tủy răng chết không rơi vào đường tiêu hóa.
Bước 4: Tiến hành điều trị tủy
Bác sĩ sẽ mở một đường trên bề mặt răng thông đến ống tủy và hút hút sạch tủy chết ra ngoài. Sau đó sẽ tạo hình ống tủy và lấp đầy buồng tủy trống bằng vật liệu Gutta Percha.
Bước 5: Trám bít ống tuỷ
Răng được phục hình bằng phương pháp trám răng hoặc bọc răng sứ thẩm mỹ tùy theo nhu cầu và tình trạng răng miệng của bệnh nhân.
Răng chết tủy để lại nhiều hậu quả nguy hiểm đến răng miệng và sức khỏe của bệnh nhân. Bạn cần kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện kịp thời khi tủy răng vừa mới bị tổn thương, lúc này tủy vẫn còn có khả năng phục hồi và điều trị dễ dàng. Đừng đợi đến khi răng đã chết tủy thì chỉ có cách loại bỏ.