4 giai đoạn sâu răng và cách điều trị

4 giai đoạn sâu răng và cách điều trị
Cập nhật 31/03/2024 03:03:20

Sâu răng là tình trạng răng bị tổn thương ở phần mô cứng, nguyên nhân là do vi khuẩn tích tụ ở răng gây nên. Tùy vào các giai đoạn sâu răng mà mức độ ảnh hưởng của bệnh lý này cũng có sự khác nhau. Do đó, việc biết sâu răng đang ở giai đoạn nào sẽ giúp cho quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn.

Các giai đoạn của bệnh sâu răng

Theo chuyên gia, bệnh lý sâu răng sẽ phát triển theo 4 giai đoạn. Mỗi giai đoạn sẽ có những đặc điểm, dấu hiệu cũng như mức độ ảnh hưởng khác nhau. Cụ thể:

Giai đoạn 1: Sâu men răng

Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh lý sâu răng. Ở giai đoạn này, vi khuẩn bắt đầu sinh sôi, nảy nở và tấn công phần men răng. Do đó, dấu hiệu nhận biết không rõ ràng. Thay vì khó chịu, đau nhức, thì người bệnh hoàn toàn không có cảm giác gì.

Dấu hiệu thường thấy là bên ngoài men răng xuất hiện đốm màu đục. Lâu ngày, chúng sẽ tạo thành những lỗ sâu răng và chuyển sang màu đen, nâu. Vì là giai đoạn đầu tiên, nên nếu phát hiện sớm thì việc chữa trị sẽ trở nên đơn giản, nhanh chóng hơn. Răng cũng chưa bị tổn thương nặng nên chức năng cũng được đảm bảo.

Giai đoạn 2: Sâu ngà răng

Sau ăn mòn phần ngoài, sâu răng sẽ tiếp tục lây lan và ăn sâu vào bên trong ngà răng. Việc vi khuẩn tấn công vào sâu bên trong sẽ làm cho các thành phần có trong ngà răng bị phá hủy. Đau nhức, khó chịu, ê buốt là cảm giác xuất hiện ở giai đoạn thứ 2 này.

Hơn nữa, răng trở nên nhạy cảm và dễ bị kích ứng bởi thức ăn nóng hoặc lạnh. Nếu răng bị sâu ngà mà không được điều trị kịp thời, thì nguy cơ cao sâu sẽ ăn vào tủy gây viêm tủy, chết tủy. Thế nên, nếu bạn có cảm giác đau đớn, ê buốt răng và thấy trên răng xuất hiện lỗ có thể quan sát bằng mắt thường thì đừng chần chừ mà hãy đến ngay nha khoa uy tín để chữa trị nhé!

Giai đoạn 3: Viêm tủy răng

Thông thường, tủy răng sẽ được bảo vệ bởi phần men răng và ngà răng. Thế nên, khi hai lớp này bị phá hủy thì tủy răng sẽ bị vi khuẩn tấn công. Lâu ngày, gây nên hiện tượng viêm nhiễm tủy răng đi kèm là cơn đau nhức dữ dội làm ảnh hưởng đến việc ăn nhai cũng như cuộc sống hàng ngày.

Tủy răng là vùng chứa các dây thần kinh và mạch máu quan trọng. Do đó, việc tủy răng bị viêm nhiễm sẽ gây tác động xấu đến sức khỏe người bệnh. Hơn nữa, nó còn làm tăng nguy cơ răng bị gãy rụng. Ngoài ra, viêm tủy răng nặng còn làm đau đầu, ê buốt răng kéo dài. Đó chính là lý do mà người bệnh cần chữa tủy trước khi tủy răng bị phá hủy hoàn toàn.

Giai đoạn 4: Chết tủy

Trong các giai đoạn sâu răng thì giai đoạn chết tủy là nguy hiểm nhất. Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình sâu răng. Lúc này, tủy răng bị viêm nhiễm nặng không thể chữa trị được. Tủy răng bị hư hỏng làm mất hoàn toàn chức năng nuôi dưỡng tế bào của răng. Không những vậy, ổ vi khuẩn ở chân răng tấn công mạnh mẽ và lan rộng ra mô nướu, xương ổ răng,… Ở giai đoạn này, sâu răng còn làm sưng mặt, tiêu xương và lan rộng đến răng khác trên cung làm. Từ đó, gia tăng nguy cơ mất răng hàng loạt.

Sâu răng giai đoạn nào là nguy hiểm nhất?

Bất kỳ giai đoạn sâu răng nào cũng gây ảnh hưởng nhất định đến cấu trúc, hình dáng và chức năng của răng. Thế nên, khi bị sâu răng thì giai đoạn nào cũng nguy hiểm. Càng về sau thì mức độ ảnh hưởng của bệnh lý này đến răng càng nặng hơn. Khi răng diễn tiến đến giai đoạn 4 – chết tủy thì nguy cơ mất nhiều răng là rất lớn.

Do đó, khi phát hiện dấu hiệu của sâu răng thì bạn đừng nên chần chừ mà hãy đến nha khoa để được thăm khám sớm. Việc này giúp hạn chế tối đa tác động của sâu răng. Hơn nữa, việc thăm khám sớm còn có tác dụng chặn đứng bệnh lý nguy hiểm khác. Đó cũng là lý do mà bác sĩ khuyến cáo bạn nên khám răng thường xuyên, định kỳ 6 tháng/lần.

Cách điều trị theo từng giai đoạn sâu răng

Sâu răng là bệnh lý phổ biến nhất hiện nay. Đặc biệt, thường xảy ra ở trẻ em và người cao tuổi. Từ lâu, trong dân gian đã có rất nhiều bài thuốc chữa trị sâu răng. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ làm giảm cơn đau nhức chứ hoàn toàn không chấm dứt được hiện tượng sâu răng.

Hiện nay, với công nghệ nha khoa phát triển mạnh mẽ giúp cho việc điều trị sâu răng trở nên hiệu quả, an toàn và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Tùy vào mức độ cũng như giai đoạn sâu răng mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn phương pháp phù hợp. Cụ thể:

  • Trám răng: Nếu răng bị sâu nhẹ và chưa bị lan sâu vào tủy răng thì bác sĩ sẽ làm sạch lỗ sâu. Tiếp đó, dùng vật liệu trám chuyên dụng để lấp lỗ hổng. Nhờ đó ngăn ngừa vi khuẩn tác động đến răng.
  • Điều trị tủy: Khi răng đã bị viêm tủy thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tủy. Phần tủy răng bị hỏng sẽ được loại bỏ hoàn toàn để ngăn sâu tái phát. Sau đó, trám răng hoặc bọc răng sứ nhằm phục hình thân răng. Đảm bảo tính thẩm mỹ và chức năng ăn nhai của răng.
  • Nhổ răng: Nếu răng bị sâu nặng và không thể sử dụng hai giải pháp trên để khắc phục thì người bệnh cần phải nhổ răng sâu. Việc làm này giúp hạn chế việc răng sâu lan rộng đến răng khác. Sau đó, thực hiện trồng răng giả để thay thế cho chiếc răng đã loại bỏ.



Hỗ trợ trực tuyến