Dính thắng môi ở trẻ và cách điều trị

Dính thắng môi ở trẻ và cách điều trị
Cập nhật 31/01/2024 04:01:18

Tình trạng dính thắng môi ở trẻ đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Mặc dù không phải là tình trạng quá nguy hiểm, tuy nhiên các bậc cha mẹ cũng cần nắm rõ những thông tin về dị tật dính thắng môi để có biện pháp bảo vệ con tốt hơn. 

Ảnh minh họa

1. Tìm hiểu chung về dị tật dính thắng môi ở trẻ

Dính thắng môi ở trẻ hay còn được gọi là phanh môi bám thấp, đây là một loại dị tật bẩm sinh xuất hiện khá phổ biến và hiện nay đang có xu hướng gia tăng tỷ lệ mắc. Thắng môi hay phanh môi bao gồm một lớp niêm mạc và dải dây chằng nằm ở vị trí tương đương trung nhân ở bên ngoài, ở khe giữa chân răng của hai răng cửa hàm trên. Nhiệm vụ của thắng môi là giúp môi trên khít với miệng. 

Khi bị dính thắng môi, phanh môi sẽ ngắn hơn bình thường và dính chặt vào phần lợi. Mặc dù dính thắng môi không phải là một dị tật nguy hiểm nhưng vấn gây ra một số hạn chế về cử động ở môi, khó khăn mỗi khi ti sữa mẹ hoặc cảm thấy đau khiến bé bú kém và dễ quấy khóc. Đối với trẻ lớn sẽ khó khăn mỗi khi nói chuyện, ăn uống và vệ sinh, điều này có thể gây ra những vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng. 

2. Các cấp độ và biểu hiện tật dính thắng môi ở trẻ 

Hiện nay, nguyên nhân gây ra dính thắng môi vẫn còn là ẩn số đối với các nhà khoa học, tuy nhiên, để giải thích hiện tượng này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tật phanh môi bám thấp có thể do di truyền. Dính thắng môi ở trẻ được chia thành các cấp độ khác nhau với những biểu hiện đặc trưng và dễ dàng nhận biết. 

Các cấp độ của dính thắng môi 

Phanh môi bám thấp ở trẻ được chia 4 cấp độ, bao gồm: 

  • Cấp độ 1: Thắng môi rút ngắn bám chặt vào giữa miệng và niêm mạc lợi. 

  • Cấp độ 2: Thắng môi bám dính vào vùng lợi. 

  • Cấp độ 3: Thắng môi bám vào phần nhú lợi. 

  • Cấp độ 4: Thắng môi phát triển vượt qua phần mỏm của ổ răng và bám chặt lấy phần niêm mạc lợi. 

Biểu hiện

Các triệu chứng của dính thắng môi hầu như rõ ràng nên các bậc cha mẹ chỉ cần chú ý là có thể phát hiện được. Những biểu hiện đó là: 

  • Phần niêm mạc môi trên của bé sẽ có biểu hiện khác thường, dính chặt với niêm mạc lợi. 

  • Trẻ có biểu hiện quấy khó, bú ít, không chịu bú hoặc mỗi lần bú sẽ thấy khó chịu vì đau nhưng dễ chịu mỗi khi bú bình.  

  • Trẻ lớn nói chuyện khó khăn, hạn chế cử động lưỡi và môi trên. 

3. Những tác động của dính thắng môi ở trẻ và cách điều trị 

Dính thắng môi dù không phải là một tình trạng đáng lo ngại nhưng nếu không được điều trị sớm có thể gây ra một số hạn chế cho trẻ trong cuộc sống và sinh hoạt. 

Những ảnh hưởng của dính thắng môi 

Trẻ bị dính thắng môi nếu không được can thiệp sớm có thể gây ra nhiều bất tiện như: 

  • Đối với trẻ sơ sinh, tình trạng này có thể tác động khiến núm vú mẹ bị ngứa, đau hoặc nứt nẻ, nguy cơ dẫn đến viêm hoặc nhiễm trùng. 

  • Trẻ bú kém dẫn đến nguy cơ thiếu chất, cơ thể suy dinh dưỡng, phát triển chậm hơn những em bé bình thường. 

  • Hạn chế khả năng nhai, nuốt, đặc biệt là giai đoạn tập cho trẻ ăn dặm, khó khăn khi sử dụng thìa. 

  • Với trẻ lớn sẽ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ bởi thắng môi là yếu tố tạo nên một nụ cười đẹp, trẻ sẽ thấy bị tự ti mỗi khi giao tiếp do phần khớp cắn bị sai lệch. 

  • Dính thắng môi còn gây ảnh hưởng đến vấn đề giao tiếp do khó phát âm. 

  • Nguy cơ trẻ mắc các vấn đề sức khỏe răng miệng do vệ sinh kém, các mảng bám tích tụ dẫn đến sâu răng, viêm nướu,...

Điều trị

Việc điều trị dính thắng môi ở trẻ còn tùy thuộc vào mức độ bệnh lý mà bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định khác nhau. 

  • Trường hợp dính thắng môi nhẹ không gây ảnh hưởng hay đau đớn gì cho trẻ thì có thể không cần can thiệp. Khi trẻ mọc đủ răng vĩnh viễn thì các khe bị thưa sẽ tự đóng khít. Trường hợp này, mẹ có thể cho bé bú bình đi kèm sữa mẹ để đảm bảo cung cấp đủ chất và giúp bé dễ chịu hơn. 

  • Những trường hợp cần phải can thiệp xử lý, bác sĩ có thể chỉ định tiểu phẫu cắt thắng môi. Kỹ thuật cắt thắng môi không quá phức tạp, bác sĩ sẽ cắt niêm mạc chặt với lợi để nới lỏng thắng môi. Sau khi vết thương lành, nếu phần khớp cắn sai lệch, bác sĩ thực hiện nắn chỉnh về vị trí ban đầu. Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê tại chỗ để bé không bị đau. 

  • Ngoài ra, các bác sĩ có thể điều trị dính thắng môi ở trẻ bằng phương pháp sử dụng laze. Ưu điểm của phương pháp này là không gây đau hay chảy máu, thời gian hồi phục nhanh. Tuy nhiên, phương pháp này không khuyến khích áp dụng đối với trẻ sơ sinh vì có khả năng gây bỏng. 

Sau khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết mẹ cách chăm sóc bé để đảm bảo quá trình hồi phục nhanh. Ngoài ra, các bậc phụ huynh còn cần chú ý lựa chọn địa chỉ uy tín để thăm khám và thực hiện phẫu thuật cắt phanh môi cho bé. 



Hỗ trợ trực tuyến