Điều gì tác động tới khả năng nhai của răng?

Điều gì tác động tới khả năng nhai của răng?
Cập nhật 30/11/2023 04:11:45

Khả năng nhai của răng được đánh giá bằng hệ số nhai, hệ số nhai được tính bằng việc cộng hệ số của các răng còn tồn tại trên hàm. Do vậy, việc ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng nhai của hàm là sự mất răng.

Ảnh minh họa

1. Hệ số nhai là gì?

Hệ số nhai hay gọi là sức nhai của răng được dùng để đánh giá sức khỏe răng miệng của một người, người ta tính hệ số răng bằng việc phân chia hệ số cho từng răng trên cung hàm rồi tính được tổng hệ số nhai của người bình thường, sau đó dựa vào sự mất răng của từng người để tính ra được hệ số răng cụ thể của người đó.

Đối với người trưởng thành để dễ phân biệt cách đọc răng thì cung hàm được chia thành 4 phần bằng nhau là đánh số theo thứ tự theo chiều kim đồng hồ là từ 1 đến 4. Ranh giới được giới hạn với trục nằm ngang thì trùng với phần giữa của hai hàm trên dưới, trục thẳng đứng chạy qua kẽ răng cửa hàm trên và dưới.

Hệ số răng cửa được tính như sau:

  • Răng cửa giữa hàm trên trên tương ứng với răng số 11 và 21 hệ số 2, còn răng cửa giữa hàm dưới tương ứng răng 31 và 41 hệ số 1.
  • Răng cửa bên hàm trên hệ số tương ứng số 12 và 22 hệ số 1, hàm dưới tương ứng răng số 32 và 42 hệ số 2.
  • Răng nanh gồm các răng 13, 23, 33, 43 là hệ số 4
  • Răng tiền hàm (hay gọi răng cối nhỏ) tương ứng với các răng 14, 24, 34, 44 hệ số 3
  • Răng tiền hàm thứ 2 tương ứng các răng 15, 25, 35, 45 hệ số 3
  • Răng hàm thứ nhất tương ứng các răng 16, 26, 36, 46 là hệ số 5
  • Răng hàm thứ 2 tương ứng các răng 17, 27, 37, 47 hệ số 5
  • Răng khôn hay tương ứng các răng 18, 28, 38, 48 hệ số 2

Tổng cộng là 25 tương ứng với 1⁄4 của hàm, do đó sức nhai toàn bộ hàm của người bình thường là 25X4=100.

Như vậy, để tính được hệ số nhai của một người nào đó thì cần xác định người đó mất bao nhiêu cái răng và mất răng nào, nếu như mất một răng thì răng tương tự của hàm đối diện cũng không được tính sức nhai, bởi vì hai răng cần va chạm với nhau thì mới có thể ăn được, mất một răng thì răng tương ứng cũng mất tác dụng thì hệ số nhai cũng mất gấp đôi. Tuy nhiên cần chú ý trong trường hợp mất răng cửa, bởi vì hệ số của răng cửa hàm dưới và hàm trên không tương ứng với nhau, nên cần trừ theo đúng hệ số nhai của răng mất tương ứng.

Ví dụ cụ thể:

  • Một người bị mất răng 36 là răng cối hàm dưới bên trái có hệ số nhai là 5, sức nhai của bệnh nhân không phải chỉ mất 5% mà phải tính là mất 10%, vì răng số 26 tương ứng cũng bị mất tác dụng. Như vậy bệnh nhân bị mất sức nhai 10% còn hệ số nhai được tính là 90%.
  • Trường hợp bệnh nhân bị mất 2 răng là răng số 36 và răng 17. Răng 36 là răng cối hàm dưới bên trái có hệ số nhai 5, mất sức nhai 5%x2= 10%, răng 17 là răng hàm thứ 2 trên bên phải có hệ số nhai là 5 và răng 47 tương ứng ở hàm dưới cũng mất chức năng sẽ mất tổng là 10% sức nhai. Tổng cộng bệnh nhân mất hai răng 36 và 17 sẽ mất tổng 20% sức nhai và hệ số nhai được tính là 80%.
  • Trường hợp bệnh nhân bị mất răng 11 tương ứng răng cửa giữa hàm trên bên phải có hệ số nhai là 2, thì tương ứng răng 41 là răng cửa giữa hàm dưới bên phải cũng mất chức năng răng này có hệ số nhai là 1. Như vậy bệnh nhân này sẽ mất 3% sức nhai, hệ số nhai còn lại là 97%.

2. Điều gì ảnh hưởng tới khả năng nhai của hàm?

Khả năng nhai của một người được tính dựa trên hệ số nhai, qua đó những tác nhân làm ảnh hưởng đến hệ số nhai cũng ảnh hưởng tới khả năng nhai của một người. Theo như cách tính toán hệ số nhai thì chúng ta biết được số lượng răng có ảnh hưởng tới hệ số nhai, hay nói cách khác khả năng nhai của một người bị ảnh hưởng khi họ bị mất răng. Ngoài ra, một số yếu tố cũng có gây ảnh hưởng tới khả năng nhai như bệnh lý của răng như sâu răng, viêm tủy, viêm nướu...

Khi mất răng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhai của hàm mà nó còn có thể gây ra một số ảnh hưởng nghiêm trọng như:

  • Xô lệch răng và sai khớp cắn

Mất răng không chỉ làm giảm sút khả năng nhai, ảnh hưởng đến khả năng nhai bình thường, mà còn gây ra hiện tượng xô lệch các răng còn lại trong hàm, rối loạn khớp cắn. Các răng là một chỉnh thể thống nhất giúp nâng đỡ, cân bằng lẫn nhau trên cung hàm, hỗ trợ sự phân bố lực nhai và đóng vai trò khác nhau trong quá trình nhai. Khi mất một răng, răng đối diện với vị trí răng mất khi mất đi sự nâng đỡ, dần dần sẽ trồi lên hoặc thòng xuống hướng răng bị mất. Điều này dẫn đến việc làm ảnh hưởng tới khớp cắn tự nhiên của hàm, ảnh hưởng đến hoạt động nhai cắn, gây đau khớp thái dương hàm, mỏi hàm...

Do lực ăn nhai không được phân bố một cách đồng đều, hai răng bên cạnh vị trí răng mất không còn điểm tựa, các răng sẽ có xu hướng xô lệch, xê dịch về vị trí răng mất, lâu dần, sẽ tạo khoảng trống cho các răng khác và tiếp tục xô lệch. Điều này không những ảnh hưởng thẩm mỹ tới hàm răng mà còn ảnh hưởng hết các răng còn lại, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến ăn nhai về lâu về dài.

  • Tiêu xương ổ răng

Sau khi mất răng, xương hàm xung quanh ổ răng đã mất bắt đầu bị tiêu biến do hiện tượng đào thải tự nhiên của cơ thể những phần không còn tác dụng.

Xương hàm có chức năng chính là nâng đỡ toàn bộ cấu trúc khuôn mặt, cằm và môi. Xương ở vùng răng mất sẽ nhanh chóng tiêu đi, ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ của hàm và gây trở ngại đến việc phục hình sau này. Tiêu xương ổ răng làm thay đổi hình dạng khuôn mặt như làm cho mặt bị hóp, da mặt bị chảy xệ nếp nhăn sẽ xuất hiện nhanh hơn, khuôn mặt nhìn già đi so với tuổi. Ngoài ra, tiêu xương ổ răng còn làm giảm khả năng nâng đỡ của hàm, khiến hàm giảm lực nhai và hàm cảm giác lỏng lẻo hơn.

Tóm lại, nếu mất một răng cũng đồng nghĩa với việc có hai răng trên cung hàm không còn khả năng nhai và ảnh trực tiếp tới khả năng nhai của của một người.



Hỗ trợ trực tuyến