Tụt nướu, nguyên nhân và cách tránh & điều trị

Tụt nướu, nguyên nhân và cách tránh & điều trị
Cập nhật 31/03/2024 03:03:04

Bạn có biết nướu có thể bị thoái hóa, mất đi và để lộ phần chân răng, khiến chân răng dễ bị nhiễm trùng, sâu răng và dẫn đến mất răng. Răng ở vị trí bất thường cũng có thể làm tụt nướu. Ở giai đoạn sớm bạn có thể ngăn chặn và giúp nướu hồi phục, nếu bệnh lý đã trở nên nghiêm trọng và có các triệu chứng như ê buốt răng, đau răng hoặc nhiễm trùng, khi đó cần phải thực hiện nhiều liệu trình điều trị như: làm sạch sâu chân răng, chống nhiễm trùng và ghép mô. Tụt nướu là trường hợp thường thấy, nhưng mọi người thường không nhận ra cho tới khi tình trạng nghiêm trọng hơn.

Ảnh minh họa

Nướu là gì? Tụt nướu là gì?

Nướu (lợi) là mô miệng màu hồng bao quanh răng. Mô nướu có kết cấu chặt, có nhiều mạch máu bên dưới bề mặt, còn được gọi là niêm mạc, màng nhầy. Mô nướu liên kết với niêm mạc miệng nhưng có màu hồng thay vì màu đỏ tươi.

Nướu dính chặt với xương hàm và che phủ tới phần cổ chân răng. Nướu có tác dụng che phủ và bảo vệ chân răng. Tụt nướu răng sẽ xảy ra sau khi mô bị tổn thương và mất đi. Làm lộ phần chân răng dễ tổn thương do vi khuẩn và cao răng, có thể dẫn đến sâu răng.

Nguyên nhân nướu răng bị tụt

– Chăm sóc răng miệng không kỹ và các bệnh nha chu là nguyên nhân chính gây tụt nướu. Tuy nhiên, người chăm sóc răng miệng kỹ vẫn có khả năng bị tụt nướu.

– Chấn thương do các tác động vật lý hoặc viêm nhiễm mô.

– Một số người có thể bị tụt nướu do yếu tố di truyền như: vị trí răng; độ dày của nướu.

– Chấn thương mô nướu do đánh răng quá mạnh hoặc sử dụng bàn chải có lông cứng cũng là các nguyên nhân thường gặp. Đánh răng quá mạnh khiến tổn thương nướu ngay cả khi chăm sóc răng miệng tốt.

– Trường hợp này thường ảnh hưởng phần miệng bên trái. Vì phần lớn người đánh răng, cầm bàn chải bằng tay phải và đặt nhiều lực hơn cho phần mô bên trái, tương tự, hai bên miệng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn phần đằng trước.

Các yếu tố khác có thể gây tụt nướu như đeo đồ trang trí trên môi hoặc lưỡi (xỏ khuyên môi, xỏ khuyên lưỡi); răng khấp khểnh; tổn thương trong quá trình điều trị răng.

Một số người có mô nhạy cảm hơn bình thường, mô nướu mỏng sẽ dễ bị viêm, nhiễm trùng khi hình thành cao răng. Hoặc do niềng răng bị tụt lợi.

Khi mảng bám tích tụ trên răng, nó có thể gây ra các vấn đề sau:

  • Viêm nướu: trường hợp nhẹ gây chảy máu chân răng, có thể dẫn đến viêm nha chu.
  • Viêm nha chu: tạo khoảng trống giữa nướu và răng, làm mất các sợi liên kết giữa xương và mô quanh răng khi bị nhiễm trùng.

Vậy nguyên nhân niềng răng bị tụt lợi

Lực xiết của mắc cài quá mạnh so với sức chịu đựng của răng quá mức. Khi ấy, răng sẽ rất dễ bị lung lay. Không những vậy, lực siết của mắc cài còn gây ra áp lực nhất định lên nướu và gây tụt lợi khi khách hàng niềng răng. Do lực kéo từ mắc cài mạnh nên tình trạng tụt lợi sẽ ngày càng chuyển biến nặng.

Yếu tố rủi ro (Yếu tố làm tăng khả năng nhiễm bệnh)

– Tuổi tác là yếu tố rủi ro chính của tụt nướu. Khoảng 88% người lớn hơn 65 tuổi bị ảnh hưởng tại ít nhất một răng.

– Người hút thuốc có nguy cơ cao bị tụt nướu.

– Yếu tố di truyền cũng rất quan trọng, các đặc điểm như nướu mỏng, yếu có thể kế thừa qua gen.

– Bệnh tiểu đường cũng tăng nguy cơ tụt nướu.

Triệu chứng

Nhiều người ở giai đoạn đầu có thể không nhận thấy sự khác biệt. Tuy nhiên, khi bị tụt nướu, họ có thể gặp những vấn đề sau:

  • Lo ngại về vấn đề thẫm mỹ, khi răng có vẻ dài hơn và khoảng trống giữa răng to ra
  • Lo sợ mất răng
  • Nhạy cảm với nhiệt độ nóng lạnh hoặc do chân răng bị lộ quá nhiều

Quan trọng hơn, tụt nướu có thể là dấu hiệu của các vấn đề răng miệng khác như bệnh nha chu, tăng nguy cơ sâu răng và mất răng. Bệnh còn dẫn đến hơi thở nặng mùi và chảy máu chân răng.

Điều trị

Hầu hết các trường hợp tụt nướu nhẹ không cần điều trị. Nha sĩ có thể tư vấn cho bạn cách ngăn ngừa và theo dõi tình trạng của nướu. Đánh răng kỹ nhưng với lực vừa phải là cách hữu hiệu để ngăn ngừa sớm.

Đối với trường hợp cần phải điều trị, có một số phương án sau:

  • Thuốc giảm nhạy cảm (Desensitizing), chất chống sâu răng (varnish), chất phục hồi men răng: Các sản phẩm trên có mục đích giảm độ nhạy cảm của chân răng bị lộ, giúp vệ sinh răng miệng dễ dàng hơn đối với những răng nhạy cảm.
  • Trám răng: Nha sĩ sử dụng vật liệu trám có màu giống răng để che phủ bề mặt chân răng. Lớp trám cũng có thể che đi khoảng trống giữa răng.
  • Dùng sứ hoặc nhựa hồng: Loại vật liệu này có màu hồng giống với nướu và có thể sử dụng để thay thế phần nướu đã mất.
  • Lớp dán veneer tháo rời: lớp dán thường được làm từ acrylic hoặc silicone và có thể đắp lên vùng bị tụt nướu.
  • Chỉnh nha (niềng răng): phương pháp này đưa răng về đúng vị trí qua thời gian dài. Giảm áp lực lên nướu và dễ dàng vệ sinh răng miệng hơn.
  • Phẫu thuật: Có thể phẫu thuật ghép mô từ vị trí khác trong miệng. Mô sẽ hồi phục thay thế cho phần nướu bị tụt. Phương pháp này thường áp dụng cho trường hợp tụt nướu nghiêm trọng.

Bị tụt lợi có niềng răng được không?

Trường hợp răng bị tụt lợi nặng không còn chắc chắn ở trong xương hàm nữa thì mọi tác động bên ngoài dù là nhỏ nhất cũng sẽ dễ dàng làm hư hỏng răng. Vậy nên khi đó khó có thể áp dụng phương pháp niềng răng chỉnh nha. Trường hợp muốn niềng răng khi bị tụt lợi nặng thì sẽ phải tiến hành ghép lợi trước để củng cố các tổ chức nâng đỡ răng.

Chi phí điều trị tụt nướu

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và phương pháp điều trị mà chi phí điều trị sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nếu tình trạng tụt nướu ở giai đoạn sớm, bạn có thể ngăn tình trạng trở nên tệ hơn

Ngăn ngừa

Một số nguyên nhân có thể ngăn chặn từ sớm:

– Nếu bạn đánh răng quá mạnh hoặc sử dụng bàn chải có lông cứng, nên thay bằng bàn chải mềm và đánh răng vừa phải, đúng cách.

– Mảng bám răng tích tụ và cao răng có thể gây ra bệnh nha chu, vì vậy nên chăm sóc răng miệng kỹ và thăm khám cạo vôi răng định kỳ (6 tháng).

– Thăm khám nha sĩ nếu bạn đang lo lắng về tình trạng răng miệng.



Hỗ trợ trực tuyến